Tam Đảo nỗ lực giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Tam Đảo là huyện miền núi, có tỉ lệ lao động trong độ tuổi cao, chiếm 64% dân số là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nhưng cũng tạo áp lực lớn đối với công tác giải quyết việc làm.

Với diện tích tự nhiên trên 23 nghìn ha, nguồn tài nhiên thiên nhiên vô cùng phong phú đã tạo nên những sắc thái riêng trong phát triển kinh tế, xã hội cho Tam Đảo. Trong đó nguồn nhân lực dồi dào, người lao động cần cù, sáng tạo được xem là một trong những thế mạnh góp phần đưa kinh tế Tam Đảo phát triển.

Theo số liệu thống kê của Phòng LĐ- TB&XH huyện Tam Đảo, đến tháng 9-2015, số lao động trong khu vực nông thôn trên địa bàn huyện chiếm 74,91%; lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ còn thấp lần lượt chiếm 9,94% và 13,22%. Trong đó, lao động trong độ tuổi chưa qua đào tạo chiếm khoảng 71%, ảnh hưởng lớn đến công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo của địa phương.

Thực hiện Nghị quyết 37/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh,, hàng năm, huyện Tam Đảo chỉ đạo ngành chức năng thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát phần “cung” – “cầu” lao động, nhằm nắm bắt kịp thời số lao động có việc làm, không có việc làm, lao động được đào tạo nghề, lao động chưa qua đào tạo nghề và nhu cầu học nghề của người lao động. Trên cơ sở đó, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm, đưa ra các giải pháp thiết thực cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là một giải pháp quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Nhằm khuyến khích người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Phòng LĐ TB&XH huyện thường xuyên phối hợp, hướng dẫn các xã, thị trấn, các ban ngành, đoàn thể của huyện tăng cường công tác tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, cổng thông tin điện tử, hội nghị về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến toàn thể nhân dân và người lao động trên địa bàn; thường xuyên cập nhật văn bản, thông tin về công tác XKLĐ, tư vấn, hướng dẫn các xã, thị trấn trong huyện thực hiện công tác XKLĐ. Thực hiện Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh, hoạt động cho vay vốn XKLĐ cũng được quan tâm thực hiện. Theo đó, từ đầu năm 2014 đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện phối hợp với Phòng Lao động TB&XH thẩm định cho 29 lao động đủ điều kiện vay vốn đi XKLĐ với số tiền là trên 1,3 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay, huyện có 250 người đi XKLĐ ở nhiều thị trường khác nhau. Chỉ riêng 9 tháng năm 2015, toàn huyện đã có 40 lao động đã xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Cùng với việc đẩy mạnh XKLĐ, công tác cho vay vốn từ Quỹ Giải quyết việc làm của tỉnh được triển khai mạnh mẽ, tạo điều kiện cho người dân có vốn phát triển sản xuất. Từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã thẩm định hồ sơ cho 1.526 người dân vay vốn giải quyết việc làm trong nước, với tổng số tiền là 3,7 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách dạy nghề và giải quyết việc làm, các mô hình, các tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức thông qua các phương tiện truyền thông của huyện như: Đài Truyền thanh, Cổng thông tin giao tiếp điện tử; trong các hội nghị, tọa đàm. Không chỉ vậy, các thông tin về cơ sở dạy nghề, nhóm nghề; địa chỉ của cơ sở dạy nghề; địa chỉ nơi tuyển dụng lao động, điều kiện tuyển dụng và mức thu nhập, chế độ hỗ trợ khi học nghề thường xuyên được thông tin, phổ biến tới người lao động, học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện.

Bằng những giải pháp thiết thực, có hiệu quả, nhận thức của người lao động trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên. Lao động tham gia học nghề có sự tăng lên về số lượng, trình độ tay nghề được nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tự tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo. Đồng thời, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn cũng từng bước được chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, bình quân mỗi năm, Tam Đảo giải quyết việc làm cho 2.857 lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,89% (năm 2015).

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song, công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của huyện Tam Đảo trong thời gian qua còn gặp phải không ít khó khăn. Công tác dạy nghề, giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động nông thôn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ. Mặt khác, cán bộ lao động việc làm tại xã, thị trấn không ổn định, thông tin nắm bắt về “cung – cầu” lao động chưa thường xuyên. Đặc biệt, số lượng người đi XKLĐ còn thấp do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm sâu sát đến công tác giải quyết việc làm và XKLĐ, xem đây là công việc của Ngành LĐ TB&XH. Người lao động có tâm lý sợ rủi ro, không có tư tưởng sẵn sàng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…

Nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn trên, trong thời gian tới, huyện Tam Đảo đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động; phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề, dịch vụ mới phù hợp với từng địa phương; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tạo vốn, việc làm cho người lao động; đẩy mạnh XKLĐ và tạo mọi điều kiện pháp lý giúp người lao động tự kiếm việc làm; thực hiện tốt chính sách đối với lao động học nghề, XKLĐ. Đồng thời coi trọng thu hút các dự án đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức doanh nghiệp để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững.

Nguyễn Hường (Nguồn: Báo Vĩnh Phúc)